Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá 'ở mức hợp lý hơn' nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn.
Sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ ba lần trong ba ngày liên tiếp của ngân hàng trung ương (NHTW) Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 12/8 cũng quyết định tăng gấp đôi biên độ tỷ giá USD/VND từ 1% lên 2%.
Giá mua bán USD của các ngân hàng có thể lên mức cao nhất 22.106 VND/USD. Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá hai lần vào tháng Giêng và tháng Năm tổng cộng 2%.
Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, liệu Việt Nam có tiếp tục phá giá tiền đồng hoặc nới rộng biên độ tỷ giá trong thời gian tới?
Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nợ công mà chính phủ đang nỗ lực kiềm ở ngưỡng 65%?
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 14/8, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Lâu nay sức ép nới rộng biên độ tỷ giá hoặc phá giá tiền đồng đã là nhu cầu cần thiết của kinh tế Việt Nam, nhất là ngành xuất khẩu”.
Theo bà Lan, tuy từ đầu năm nay, Nhà nước đã có điều chỉnh tỷ giá nhưng chưa đủ. Một khi chưa có sự điều chỉnh tỷ giá hợp lý thì không trợ giúp được cho ngành xuất khẩu và gây những bất lợi cho nền kinh tế.
Chuyên gia này nhấn mạnh việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tiền đồng là ‘nhu cầu tự thân’ của Việt Nam.
Bà Lan thừa nhận việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ảnh hưởng nhiều mặt đến Việt Nam vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ nước láng giềng.
Bà dự báo các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu nếu Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý hơn.
Liên quan đến nợ công, bà Lan cho rằng vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát chi tiêu của chính phủ để nợ công không tăng lên, chứ không hẳn do yếu tố phá giá tiền đồng.
Về mối liên hệ giữa việc phá giá tiền đồng và giá vàng tăng đột ngột ở thị trường trong nước mấy ngày qua, bà Lan nhận định đó là ảnh hưởng tất yếu do lâu nay giá vàng trong nước vẫn ‘có độ cao nhất định’ so với giá vàng các nước.
Theo BBC